Self awareness – Học cách hiểu mình trước khi hiểu người

Cuộc sống là sự phản ánh quan điểm, thói quen, suy nghĩ và niềm tin của bạn, dù cho bạn có ý thức được những thứ đó hay không.

Khi được yêu cầu tóm tắt toàn bộ triết lí của mình, Socrates đã từng nói: “know thyself”. Biết chính mình là khởi đầu của mọi trí tuệ!

Lão Tử cũng đồng ý như vậy. Ông từng nói: “Biết người khác là thông minh; biết mình là trí tuệ đích thực. Thạo người khác là sức mạnh; làm chủ được bản thân mới là sức mạnh thực sự”.

 Nhiều người trong chúng ta hẳn cũng không xa lạ gì với self awareness và những nhận xét có cánh về nó. Nhưng bạn đã thực sự hiểu rõ self awareness là gì? tại sao bạn cần self awareness và cách để luyện tập nó ra sao? Nếu bạn còn chưa rõ về siêu kĩ năng này, vậy thì chúng mình ở đây để giúp bạn.

Self awareness là gì?

Định nghĩa

Một đứa trẻ đứng trước gương và được hỏi đâu là mũi của mình, đứa bé chỉ vào cái mũi thật thay vì cái mũi trong gương. Đó là khởi đầu của sự tự nhận thức, trong ví dụ, lần đầu tiên đứa bé biết đến sự tồn tại của một người: bản thân.

Hãy thử làm như đứa bé, quan sát bản thân một lượt, đó là bạn, thường ngày người khác cũng nhìn thấy bạn hệt như vậy. Vóc dáng, diện mạo, kiểu tóc, quần áo, … như cách ta suy xét bất kì ai mà ta gặp trong đời, bộ não kì diệu của chúng ta có thể nhận thức chính bản thân ta, như cách nó nhận thức và đánh giá bất kì thông tin gì.

Sự tự nhận thức, một cách đơn giản nhất, bắt đầu từ việc nhìn nhận bản thân một cách khách quan. Wikipedia định nghĩa tự nhận thức là khoảnh khắc mà con người biết được, một cách có ý thức, về tính cách, cảm xúc, động cơ và mong muốn của bản thân. Từ điển Cambridge giải nghĩa từ self-awareness là good knowledge and judgement about your self. Trang Psychology Today cũng cho cho rằng tự nhận thức là khả năng nhìn thấy bản thân một cách rõ ràng và khách quan thông qua hồi tưởng và tự suy xét.

Còn mình thì hiểu rằng self awareness có thể chia làm ba giai đoạn: (lưu ý rằng các giai đoạn này có thể xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn) 

1 – Tập trung vào bản thân.

2 – Ý thức được một cách khách quan hành động và suy nghĩ của mình 

3 – Đối chiếu những điều đó với những giá trị cốt lõi của bản thân như cảm xúc, quan điểm, niềm tin hay động lực.

Mỗi người là một nhân cách, một cá tính mang sắc màu rất riêng, một người có khả năng tự nhận thức cao sẽ có thể hiểu được mình, điều chỉnh thái độ, hành vi cho đúng với bản thân. Hay nói một cách khác: luôn là chính mình.

Phân loại

Sự tự nhận thức cũng có thể chia làm hai loại là internal và external self awareness. 

  • Internal self awareness cho phép bạn hiểu rõ bản thân, tức là biết được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, biết được mình cần gì. Từ đó cải thiện bản thân, cải thiện những lựa chọn của mình
  • Trong khi đó external self awareness cho bạn thấy bản thân mình trong mắt người khác. Giống như nhìn thấy mình ở góc nhìn thứ hai, bạn có khả năng đánh giá những suy nghĩ, cảm xúc và hành động của bản thân. Từ đó có thể hành động đúng đắn và có lợi cho tất cả.

Self awareness tại sao lại quan trọng?


Internal self awareness

Cuộc sống của chúng ta chính là phản ánh của những quyết định mà ta lựa chọn. Bạn đã bao giờ trải qua cảm giác chọn sai ngành? Bạn đã bao giờ tham gia một khóa học trọn vẹn từ đầu tới cuối chỉ để nhận ra nó chẳng giúp ích gì cho con đường của mình? Bạn có chiếc áo nào trong tủ mà bạn chưa mặc nó lần thứ hai? Có những lựa chọn, những quyết định mà ta đưa ra không hề phù hợp với bản thân. Một số có thể không để lại hậu quả quá nghiêm trọng như một khóa học, một cuốn sách không hợp. Một số sai lầm lại lấy đi vô số thời gian, của cải, công sức của chúng ta. Cho đến khi ta nhận ra mình đã rẽ sai hướng rồi lật đật quay lại từ đầu. Thật đáng tiếc làm sao.

Cá nhân mình đã thấy không ít người bắt đầu con đường sự nghiệp mới, tại một ngành nghề hoàn toàn mới, trong khi bản thân đã có một công việc với mức lương ổn định. Có anh bạn bỏ quân y để thi vào ngoại thương, có anh chàng bách khoa cơ khí sắp ra trường đột ngột quay bước sang làm IT.

Câu chuyện định hướng là không của riêng ai, mình biết không ít các bạn đang đọc những dòng này cũng đang loay hoay tìm một hướng đi cho cuộc đời mình. Mình chỉ muốn nói với các bạn rằng, dù lựa chọn của bạn có là gì, trước khi đặt mua một cuốn sách, bỏ một chiếc áo mới vào giỏ hàng, hãy tự đặt câu hỏi rằng liệu thứ này có phải điều mà mình thực sự mong muốn. Để biết được điều gì là tốt nhất với mình, bạn phải hiểu bản thân. Hãy thử đặt ra những câu hỏi với chính mình, đặc điểm của mình là gì, mình mong muốn gì, thế nào với mình là hạnh phúc, thế nào là đúng, thế nào là sai, thế nào là xấu, thế nào là đẹp…

Trên hành trình tự vấn ấy, điều đầu tiên mà mỗi người cần làm là không ngừng quan sát, xem xét để thấu hiểu bản thân, hãy trở thành một người bạn của chính mình. Lúc đầu bạn có thể gặp nhiều khó khăn, sẽ có lúc bạn phải học cách chấp nhận sự xấu xí ở chính con người mình. Mỗi lần như thế, bạn càng tiến thêm một bước trên con đường thấu hiểu và hoàn thiện. Sau hành trình tự vấn bản thân ấy, mình tin chắc bạn đã có một lí do để hành động, để sống và tạo nên một cuộc đời hạnh phúc cho riêng mình. Vì bạn đã có những nhận thức đúng về bản thân

External self awareness

Ngoài ra, tự nhận thức đóng vai trò quan trọng giúp chúng ta hiểu về việc chúng ta có mối tương quan thế nào đến những người xung quanh và thế giới. Tự nhận thức giúp ta đánh giá bản thân một cách khách quan, từ đó biết được cách người khác nhìn nhận mình. Điều này giúp chúng ta kiểm soát hành động và cảm xúc của mình tốt hơn từ đó cải thiện hình ảnh của mình trong mắt người khác.

Trên trang Harvard Business Review, Tasha Eurich chia sẻ về sự tự nhận thức như sau: “Nghiên cứu chỉ ra rằng khi có khả năng nhìn rõ bản thân mình, chúng ta trở nên tự tin và sáng tạo hơn. Chúng ta đưa ra những quyết định sáng suốt hơn, xây dựng những mối quan hệ bền vững hơn, và giao tiếp một cách hiệu quả hơn. Ngoài ra, chúng ta hiếm khi lừa dối, bịa đặt hay ăn cướp. Chúng ta trở thành những nhân viên giỏi hơn và có được nhiều thăng tiến trong sự nghiệp.”

Một số cách để gia tăng khả năng tự nhận thức

Tập yoga

Có phải bạn đang thắc mắc tại sao một bộ môn hành động kiểu vật lí như yoga lại giúp chúng ta cải thiện self awareness, một dạng nhận thức kiểu tinh thần?

Thông qua các bài tập uốn dẻo, kéo dãn cơ thể của yoga, ta có thể luyện tập việc điều khiển các nhóm cơ, nhận thức và chấp nhận chúng. Từ đó ta có được nhận thức cao hơn về cơ thể của mình, đồng thời duy trì trạng thái tinh thần ở mức tốt. Giở thì bạn đã biết thêm một lợi ích của yoga rồi nhé.

Mindfullness

Mindfulness là một phương pháp đưa tâm trí vào một trạng thái đặc biệt. Trong trạng thái này, ta có thể tập trung hoàn toàn vào môi trường xung quanh và vào chính mình, đồng thời loại bỏ đi những suy nghĩ lan man trong tâm trí.

Luyện tập mindfulness là một cách hay để ta quen với trạng thái nội tâm của mình đồng thời giúp ta xác định được suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách rõ ràng hơn.

Có rất nhiều cách để luyện tập mindfulness, nếu bạn hứng thú với phương pháp này, bạn nên tìm đọc cuốn Stillness speak”.

Self reflection

Ý tưởng rằng ta có thể nhìn nhận bản thân một cách khách quan bằng cách “phản chiếu” chính mình trong tâm trí. Có rất nhiều cách để self reflect, ta có thể viết nhật kí, xem xét những lời nhận xét về bản thân, hoặc ngồi một chỗ và nghĩ về chính mình. 

Cách self-reflect mà mình thường dùng là tự đặt ra các câu hỏi cho bản thân: “Cơ thể mình đang cảm thấy thế nào, mình có khỏe không?” “Mình có yêu thích công việc đó không, có hài lòng về nó không?” “Mình có thật sự vui khi chơi trò đó không?” “Mối quan hệ đó có phải là một mối quan hệ tích cực?”

Bạn có thể nghĩ ra các câu hỏi tương tự liên quan đến những khía cạnh của bản thân như cơ thể, tinh thần, công việc, tình yêu… hãy dành nhiều thời gian để lắng nghe mình hơn. Không nên quá vội vàng trả lời, bạn nên dừng lại thật lâu trước những câu hỏi, xem xét thật kĩ, câu hỏi chỉ là khơi gợi mà thôi, quá trình bạn suy nghĩ mới thực sự có giá trị. 

Hỏi người thân

Hãy xin sự nhận xét từ những người thân, những người thực sự hiểu bạn, hơn cả bạn hiểu chính mình. Qua những lời nói của họ, bạn sẽ nhận ra nhiều điều mà trước đây chưa hề biết về bản thân. Từ đó có cái nhìn rõ hơn, sâu hơn về mình, biết được những ưu nhược điểm của bản thân cũng như hình ảnh của mình trong mắt của những người thân yêu.

Và lưu ý chọn những người thực sự hiểu bạn để tâm sự nhé. Nếu không, việc xin nhận xét sẽ không có hiệu quả. Thậm chí đôi khi sẽ phản tác dụng và khiến bạn nghi ngờ hoặc nhận thức sai về bản thân.

*Self awareness và điều nên tránh khi tìm hiểu bản thân

Trong quá trình tự nhận thức, hãy tránh việc cố tiêu chuẩn hóa con người mình, bạn không phải là một người đam mê cà phê chỉ vì bạn thường uống nó mỗi ngày, có thể là vì bạn thiếu ngủ mà thôi. Việc tiêu chuẩn hóa bản thân thường đi ngược lại với self awareness, thay vì tìm, khám phá và chấp nhận chính mình, ta lại đặt ra những tiêu chuẩn để gò bó bản thân. Đây là điều không nên. Và dù có một đặc điểm đúng về bạn đi nữa, điều đó cũng có thể thay đổi, people change.

Tự nhận thức không phải đặt cho bản thân những định nghĩa. Nó đơn giản là biết mình, hiểu mình, suy nghĩ hành động vì mình, vậy thôi.

Mình mong rằng những dòng trên đã giúp ích cho bạn trên con đường tự nhận thức. Và cho bạn những niềm tin để bước những bước đầu tiên trên hành trình vạn dặm này. Chúc bạn đọc thành công và hạnh phúc vào một ngày không xa.


Khám phá những “viên gạch” đầu tiên – Nền tảng chung về ngành Tài chính – Kế kiểm